Những điều kiêng kỵ trong ngày Tết nguyên Đán để tránh xui xẻo (Phần 2)

9.Kiêng vay mượn đầu năm

Ngày đầu năm, người Việt rất kiêng kỵ việc vay mượn, đòi nợ và trả nợ. Vì đi vay đầu năm là điềm báo sẽ túng thiếu cả năm; cho vay đầu năm sẽ khiến tiền bạc phân tán; đòi nợ đầu năm dễ gây mất hòa khí và khiến người đi đòi cả năm sẽ mệt mỏi chạy theo con nợ; trả nợ đầu năm chẳng khác gì đem lộc nhà ra khỏi nhà.

Xưa kia, ông cha có lệ, từ ngày 23 tháng Chạp dựng cây nêu đến hết ngày mùng 7 tháng Giêng hạ cây nêu, những món nợ nần không được phép hỏi đến để trong ngày Tết, ai ai cũng được yên vui hưởng Tết, làng xóm không có chuyện to tiếng, cãi vã lúc năm hết Tết đến.

kieng ky ngay tet

10.Kiêng để tang ngày mùng Một Tết

Ngày mồng Một là ngày đầu tiên của năm mới, là ngày vui của tất cả mọi người. Nên người Việt có lệ gia đình gặp chuyện tang tóc được phép cất khăn tang trong ba ngày Tết. Nhà có tang kiêng đi chúc Tết, ngược lại, họ hàng, làng xóm thường chủ động đến chúc Tết gia đình có tang. Nếu gia đình có người mất vào ngày 30 tháng Chạp thì gia chủ thường thực hiện tang lễ trong ngày hôm đó tránh để sang ngày mồng Một. Trường hợp có người thân qua đời đúng ngày mùng Một Tết thì cũng chưa phát tang ngay mà để đến sáng mùng Hai mới làm lễ phát tang.

kieng ky ngay tet

 

11.Kiêng nói những điều không hay, xui xẻo

Những phát ngôn trong ngày đầu năm mới sẽ ảnh hưởng đến những chuyện xảy ra trong năm. Bạn nên tránh những điều xui xẻo và ngày đầu năm mới như “Chết rồi”, “Hỏng rồi”,…

Thay vào đó, bạn nên nói chuyện với mọi người những điều hay, tốt đẹp, những câu nói mang lại may mắn cho người thân, bạn bè xung quanh.

kieng ky ngay tet

12.Kiêng ăn món xui

Trứng vịt lộn, thịt chó, thịt vịt, cá mè, tôm… là những món “kiêng cữ” trong ngày Tết và cả tháng đầu năm.

Người dân miền Trung có tục kiêng ăn trứng vịt lộn, thịt vịt, thịt chó, cá mè… trong ngày Tết và cả tháng đầu năm vì họ quan niệm ăn những thứ này vào dịp đầu năm hay đầu tháng sẽ rất đen, kém may mắn.

Người dân miền Nam lại ít ăn tôm ngày Tết vì sợ đi …giật lùi như tôm, công việc sang năm sẽ lùi chứ không thể tiến tới.

Dưa hấu đỏ là món không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt ngày Tết. Tuy nhiên, hiếm thấy nhà nào bổ dưa vào mùng 1, phần lớn dưa hấu được “khui” từ mùng 2 Tết trở đi. Vì người xưa quan niệm nếu dưa không đỏ, gia đình sẽ không gặp “hên” trong năm.

Miền Trung và miền Nam lại  tránh những loại quả có tên “xui xẻo”.  Ví dụ: miền Trung không chọn quả đu đủ vì tên gọi này phát âm giọng miền Trung nghe gần như “thù đủ”. Người miền Nam lại tránh: cam (cam chịu), lê (lê lết), sapôchê (chê bai), chuối (chúi nhũi)… mà chọn những loại có tên gọi hay như mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài (có ý nghĩa là cầu vừa đủ xài!) và quả sung (sung túc). Người miền Nam cũng chỉ bày quýt mà không bày cam lên mâm trái cây vì quan niệm quýt làm cam chịu.

kieng ky ngay tet

13.Kiêng mua đồ xui

Mua đồ gì đầu năm cũng là một việc rất quan trọng. Món đồ đó được coi là mua để lấy hên, lấy lộc, bởi “của mua là của được”. Đầu năm người ta kiêng mua dao, thớt, chày, cối…“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Mua muối đầu năm với hàm ý cả năm đậm đà, ý vị. Mua vôi cuối năm rải bốn góc tường nhà để xua đuổi tà ma.

kieng ky ngay tet

14.Kiêng người xông nhà khi không hợp tuổi

Một người khách đầu tiên đến chúc Tết gia đình bạn trong năm mới thì người đó chính là người xông nhà hay xông đất cho gia đình bạn. Xông nhà là điều rất quan trọng với mỗi gia đình. Nếu người xông nhà hợp tuổi với gia đình bạn, hoặc là người luôn gặp may mắn trong cuộc sống thì gia đình bạn sẽ có được nhiều điều may mắn trong năm mới. Nếu người xông nhà không hợp tuổi hoặc “ nặng vía” thì đem lại rủi ro cho gia đình bạn. Vì vậy, bạn hãy cẩn thận khi muốn “xông nhà” ai đó nhé!

15.Kiêng giặt giũ

Tiếp theo trong những điều kiêng kỵ trong ngày Tết Nguyên đán đó là việc giặt quần áo. Theo một chuyên gia về văn hóa học, ngày 1, 2 tháng Giêng (Âm lịch) là ngày sinh của thần Thủy. Kiêng giặt quần áo vào những ngày này để tránh mạo phạm thánh thần, dẫn đến xui xẻo cả năm. Nếu bạn không thể kiêng trong 2 ngày thì ít nhất cũng nên kiêng vào ngày mùng 1 để thể hiện sự tôn kính đối với các vị thần.

16.Đóng cửa nhà ngày Tết

Đóng cửa nhà trong những ngày Tết sẽ khiến gia đình đói kém, thiếu túng. Theo quan niệm xưa, khi bạn đóng cửa nhà các vị thần linh không thể vào chơi, đồng nghĩa với việc bất kính với các vị thần nên gia đình sẽ nghèo khó trong năm.

Tuy nhiên, cũng không thể tránh được việc đóng cửa nhà. Gia chủ có thể mở cửa nhà từ lúc giao thừa đến khi có người vào xông đất là được.

17.Kiêng xuất hành ngày mùng 5 Tết

Dân gian có câu “mùng năm, mười bốn, hai ba; đi chơi còn lỗ nữa là đi buôn”. Ngày mồng Năm tết là ngày Nguyệt kị, không nên xuất hành đầu năm vào ngày này. Người Việt tin rằng mùng 5 không thích hợp cho các cuộc du xuân lấy lộc

kieng ky ngay tet

Xem thêm :

Những điều kiêng kỵ trong ngày Tết nguyên Đán để tránh xui xẻo (Phần 1)

8 món ăn không thể thiếu trên mâm cơm ngày Tết miền Bắc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *