1.Kiêng làm rơi vỡ đồ đạc trong 3 ngày Tết
Ông cha ta rất kỵ làm vỡ bát đĩa, ấm chén trong ngày đầu năm vì đổ vỡ đó như báo hiệu sự chia cắt, đứt lìa, điều không thuận lợi trong các mối quan hệ trong năm mới.
Theo quan niệm xưa, rơi vỡ đồ đạc là điều cấm kỵ trong những ngày trọng đại chứ không riêng gì những ngày Tết.
Vì thế, mọi người nên cẩn thận với các đồ sứ trong nhà, để xa tay cầm của trẻ nhỏ.
2.Kiêng bất hòa, cãi vã, khóc lóc ngày đầu năm
Vào những ngày Tết, mọi người thường cố giữ hòa khí, không tranh cãi, gắt gỏng dù có khó chịu đến thế nào. Trong ngày này, để tránh không khí căng thẳng trong nhà, trẻ con nghịch ngợm, phạm lỗi cũng sẽ dễ dàng được bỏ qua hơn để giữ cho hòa khí một năm luôn vui vẻ, hòa thuận.
Người xưa quan niệm rằng: nếu cãi nhau, khóc lóc vào mùng 1 Tết sẽ kéo theo tinh thần cả năm buồn tủi, gặp những chuyện không may mắn.
Tết là dịp đoàn viên, sum vầy bên gia đình, hãy tạm gác lại những chuyện không vui ảnh hưởng đến không khí ngày xuân.
3.Kiêng quét nhà ngày mùng Một Tết
Vào ngày mùng Một Tết, tuyệt đối không động đến cây chổi, bởi theo quan niệm truyền thống của người Việt, quét dọn nhà cửa trong ngày này là quét hết tài lộc trong năm mới ra khỏi nhà.
Thông thường người ta sẽ quét nhà và dọn dẹp nhà cửa vào hôm 30 Tết. Các ngày mùng 1, mùng 2 và mùng 3 sẽ không quét nhà.
4.Kiêng đổ rác ngày mùng Một Tết
Việc kiêng kỵ đổ rác ngày mùng Một Tết bắt nguồn từ một câu chuyện kể rằng: ngày xưa có một người lái buôn được Thủy thần tặng một nàng hầu tên là Như Nguyệt. Kể từ khi có nàng hầu này về nhà, ông ta bỗng trở nên giàu có. Đến một năm, đúng ngày mùng Một Tết, Như Nguyệt mắc lỗi, bị ông chủ đánh đập, mắng nhiếc thậm tệ nên nàng tủi thân, biến vào đống rác. Người lái buôn không biết, mang rác đổ đi. Từ đấy, ông ta trở lại nghèo khó.
5.Kiêng cho lửa đầu năm
Lửa là một yếu tố trong ngũ hành: kim – thủy – mộc – thủy – hỏa – thổ tương sinh, tương khắc sinh ra vạn vật. Lửa tượng trưng cho may mắn. Vì thế, đầu năm mà cho người khác lửa chẳng khác gì cho đi may mắn của mình. Đi đâu vào dịp năm mới bạn chớ quên mang diêm hoặc bật lửa theo nhé!
6.Kiêng cho nước đầu năm
Cũng như lửa, nước là một yếu tố của ngũ hành tương sinh tương khác. Nó được coi như một trong những nguồn phát sinh tài lộc, chẳng thế mà dân gian có câu “tiền vào như nước”. Trong tâm thức người Việt, hình ảnh nước đầy ăm ắp giống như một điềm may, hứa hẹn năm mới sẽ dễ làm ăn, sinh sống, cửa nhà mát mẻ, cho nước đi cũng như cho đi tài lộc của mình.
7.Kiêng đi chúc Tết sáng mùng Một
Nếu không được gia chủ mời, người Việt rất ngại đến nhà người khác vào sáng mùng Một. Do ông cha ta quan niệm, người xông đất rất quan trọng, có thể đem lại may mắn hoặc rủi ro cho gia chủ trong cả năm. Chính vì sợ không đem lại may mắn, nên người Việt thường chỉ ở nhà thắp hương cúng lễ, sau đó, đi chúc Tết cha mẹ, anh em, họ hàng thân thiết, gần gũi trong ngày mùng Một Tết.
8.Kiêng mặc đồ màu đen, màu trắng
Theo quan niệm dân gian Việt Nam, vào ngày Tết họ sẽ kiêng mặc đồ hoàn toàn màu đen hoặc hoàn toàn màu trắng. Vì quần áo đen, trắng là biểu tượng cho sự tang thương, chết chóc, là 2 màu tối kỵ không được mặc trong ngày Tết.
Bạn nên diện những bộ đồ có màu sắc tươi mới để đón một năm đầy thuận lợi như màu đỏ, vàng,…
Xem thêm :
8 món ăn không thể thiếu trên mâm cơm ngày Tết miền Bắc.
Cách bày trí mâm ngũ quả đón Tết