Có phải không ít chúng ta đang vô tâm với chính cha mẹ mình?

Có một số người, tuổi trẻ bất khả chiến bại, cuộc sống rất tươi đẹp, nhưng lại vô tâm không nhận ra ở phía sau, cha mẹ đang âm thầm nuôi dưỡng, vất vả từng ngày để mình có một cuộc sống tốt hơn…

Có một số người được dạy dỗ từ tấm bé về đạo lý uống nước nhớ nguồn, về truyền thống kính trên nhường dưới, truyền thống hiếu nghĩa,… nhưng đâu đó trên đất nước này vẫn có những câu chuyện con cái bỏ mặc cha mẹ, hay con cái đối xử tàn nhẫn với cha mẹ,…,

Hoặc đơn giản là có những người luôn sợ làm mất lòng những người lạ ngoài kia mà vô tâm chẳng mảy may đến cảm xúc của cha mẹ mình,…

Chúng ta đã từng vô tâm mà tin vào câu nói ” bố/mẹ không sao “

vô tâm

Vì vô tâm hay vì quá ngây thơ mà chúng ta vẫn thường tin những câu nói dối của bố mẹ như: ” bố/mẹ không sao “, ” bố/mẹ ăn rồi, con ăn đi “, ” con không cần mua…. cho bố/mẹ đâu “, …

Khi con cái đi học, đi làm xa nhà, bố mẹ có ốm đau nhưng cũng luôn giấu con cái, có nói cũng chỉ nói qua loa hoặc bảo ” bố/mẹ chỉ bị nhẹ thôi “, ” bố/mẹ sẽ khỏi nhanh thôi “, ” tuổi này của bố/mẹ không bệnh này thì bệnh kia”,… Bố mẹ sợ con cái lo lắng không yên ảnh hưởng đến học tập và công việc.

Đằng sau nhưng câu nói dối ” bố/mẹ không sao “,…

Sau những câu nói ” bố/mẹ chỉ cảm xoàng do thời tiết “, ” trở trời nên đau xương khớp chút thôi “, ” một vài hôm là khỏi “,…. có thể là những lần ốm sốt cao hay nhưng cơn đau ê ẩm kéo dài , thậm chí là khi bố mẹ có bệnh mà ta vẫn không hề hay biết.

Ngày bé, sau câu nói ” bố/mẹ ăn rồi ” , ” bố/mẹ ko đói “,… là cái bụng đói meo nhưng cố chịu đựng để nhường phần ngon nhất cho con cái khi còn ở cái thời khó khăn, thiếu thốn.

Sau câu nói: ” bố/mẹ khỏe”, ” bố/ mẹ vẫn ổn không cần thuốc men gì ” thực chất là không muốn con cái phải tiêu tốn tiền bạc.

Thế nhưng chúng ta vẫn vô tâm tin và vô tâm cho rằng cha mẹ thực sự không sao, để rồi thoải mái chạy theo cơm, áo, gạo , tiền ngoài kia và những cuộc vui của tuổi trẻ, vô tình quên mất rằng cha mẹ mình đang già yếu từng ngày và luôn hướng về chúng ta.

Trong khi cha mẹ còn đang khó nhọc, có những người trẻ lại vô tâm chạy theo những lý tưởng xa xôi

quan tâm

Những người vô tâm sống xa hoa trái ngược với cuộc sống vất vả của cha mẹ

Có người điều kiện gia đình rất bình thường, nhưng cuộc sống lại vô cùng ” cao cấp “, đi ăn phải ăn quán ăn cao cấp, nhà hàng sang trọng, đi chơi, đi dụ lịch phải đến những nơi xa hoa, đắt đỏ.

Hay có những cô, cậu sinh viên luôn đòi hỏi cha mẹ ngoài chu cấp tiền học và tiền sinh hoạt phí còn phải mua cho họ những chiếc điện thoại đời mới hay những chiếc xe máy hạng sang, đắt tiền. Họ không màng đến cha mẹ đang từng ngày khó nhọc gồng lưng kiếm từng đồng tiền để đảm bảo cuộc sống, để nuôi cho họ được ăn học đầy đủ.

Hưởng thụ không sai nhưng không nên quá xa xỉ với điều kiện hoàn cảnh cho phép

Cuộc sống này chúng ta làm lụng vất vả, rồi khi tự cho mình một chút hưởng thụ là không có gì sai. Chẳng hạn như những tháng ngày làm việc đầy áp lực, chúng ta tự thưởng cho nhau một bữa ăn ngon hay một bộ quần áo đẹp để đền đáp công sức mà mình bỏ ra là điều không đáng chê trách. Nhưng khi chúng ta sống quá xa xỉ so với điều kiện hoàn cảnh cho phép thì thật đáng trách.

Khi cảm thấy rằng cuộc sống của mình thật thoải mái thì ở phía sau có thể cha mẹ chúng ta đang phải cúi mình, một nắng hai sương, chắt chiu từng đồng bạc tích góp, để giúp cho cuộc sống của chúng ta hạnh phúc hơn.

Dù gia đình chúng ta giàu có hay bình thường, chúng ta cũng nên quan tâm tới cha mẹ nhiều hơn một chút. Họ đã dành cả tuổi xuân của mình để nuôi dưỡng con cái thành người, dù khó khăn cũng mong cho con mình bằng bạn bằng bè. Cuộc sống này đầy ồn ã và bất trắc, không ai biết được tương lai sẽ xảy ra điều gì, vậy nên hãy chăm lo thật tốt cho gia đình mình ở hiện tại, có như vậy cuộc sống của chúng ta sẽ đầy đủ và trọn vẹn hơn.

Muốn người lạ vui nhưng lại vô tâm với cảm xúc của cha mẹ

vô tâm

Chúng ta rất dễ dàng phạm phải sai lầm : Đối xử với người ngoài thì cung kính, còn đối với người thân thì lại quá hà khắc. Chúng ta thường hay thể hiện phần bản tính xấu nhất trước mặt người thân thiết của mình.

Ví như những lúc tâm trạng không tốt, chúng ta có thể trút giận lên anh chị em thậm chí cả cha mẹ. Những lúc nghe cha mẹ nhắc nhở, chúng ta lại không ngừng oán trách phàn nàn, thậm chí lời nói ra cũng khiến cha mẹ đau lòng. Nào là “Bố mẹ nói nhiều, con không chịu được nữa”, nào là “Cứ để con làm theo ý của con, bố mẹ nói nhiều quá con không chịu được”… Những lời nói vô tình của ta còn khiến bản thân lại mang tội bất hiếu.

Cha mẹ đã phải cực nhọc vất vả để nuôi dưỡng chúng ta khôn lớn thành người. Nhưng chúng ta thì sao? Những lúc cha vì chúng ta mà rong ruổi mưu sinh, còn mẹ vì chúng ta mà tận tình chăm sóc, có bao giờ chúng ta nói một câu “Cám ơn cha mẹ, cha mẹ cực khổ quá rồi”?

Xem thêm

=> Không có tiền liệu bạn có thực sự ổn?

Cái giá của sự lựa chọn.

Sai lầm lớn nhất của chúng ta chính là thể hiện bản tính tồi tệ nhất và mặt xấu nhất trước mặt người thân quen, nhưng lại dành sự kiên nhẫn và bao dung cho những người xa lạ.

Khi đối đãi với người thân thiết, chúng ta thường hành động theo thói quen tự nhiên: Chẳng biết lễ phép, không dịu dàng hòa nhã, quên mất phải kính trên nhường dưới. Nếu không phải là kêu la om sòm, không ngừng trách móc, thì cũng là lơ đãng chẳng quan tâm, ngó lơ chẳng trả lời.

Cũng bởi vì quan niệm rằng người thân vốn đã quá quen thuộc, nên chúng ta quên mất phải lễ phép lịch sự, để rồi dần dần mất đi sự kiên nhẫn, khoan dung và tôn trọng.

Cha mẹ nào cũng hy vọng được con cái thể hiện tình yêu thương. Nhưng đôi khi con cái vì quá thân quen mà đánh mất đi sự tôn trọng và lòng kiên nhẫn, quên đi tâm trạng và lòng tự ái của cha mẹ mình.

Vì sao chúng ta không thể kiên nhẫn với người thân của mình? Là bởi vì chúng ta cho rằng người thân thiết nhất sẽ chẳng bao giờ rời bỏ mình mà đi. Cho dù chúng ta có phạm sai lầm, và dù có làm họ tức giận, họ cũng sẽ không bao giờ trách tội chúng ta.

Tình cảm thật sự rất mong manh, bất kể là tình thân, tình bạn bè, tình yêu hay là hôn nhân đều rất mong manh dễ vỡ. Đừng đợi cho đến khi có vết nứt thì mới bắt đầu hàn gắn, đừng vô tâm, bởi một khi đã xuất hiện vết nứt thì dù cho bạn có làm bất kì điều gì cũng khó mà khôi phục trở lại hình dáng ban đầu.

Ngay cả những người thân thiết nhất, nếu như chúng ta có những lời nói vô tình hay hành động thiếu tôn trọng cũng sẽ dễ làm họ bị tổn thương.

Thế nên, dù như thế nào, thì hãy tinh tế, cẩn trọng trong lời nói và hành động của bản thân mà chăm sóc yêu thương họ nhiều hơn. Đây không chỉ là cách thể hiện sự trân trọng người thân yêu mà cũng là cách đối nhân xử thế của một người trưởng thành chân chính.

Nếu một ngày cha mẹ già đi mà ta vô tâm chẳng hề để ý?

Tôi đã đọc được một đoạn rất hay trong một cuốn sách thế này:

” Nếu một ngày bạn thấy trong bếp mẹ dọn không còn sạch như trước;
Nếu một ngày bạn nhìn thấy những món ăn mẹ nấu không còn sạch sẽ cầu kỳ nữa;
Nếu một ngày bạn thấy nồi niêu xoong chảo không còn sáng bóng nữa;
Nếu một ngày bạn thấy hoa và cây cảnh của cha đang dần bị bỏ rơi;
Nếu một ngày bạn thấy tủ quần áo bị bao phủ đầy bụi;
Nếu một ngày bạn thấy rằng mẹ nấu ăn quả thực quá mặn;
Nếu một ngày bạn thấy rằng cha mẹ thường quên tắt đèn;
Nếu một ngày bạn tìm thấy những thói quen của cha mẹ không còn nữa, hay là khi họ không còn muốn đi tắm mỗi ngày;
Nếu một ngày bạn thấy rằng cha mẹ không ăn được trái cây giòn và rau xanh nữa;
Nếu một ngày bạn thấy rằng cha mẹ thích ăn rau nấu nhừ một chút;
Nếu một ngày bạn thấy rằng cha mẹ thích ăn cháo;
Nếu một ngày bạn thấy rằng những hành động và phản ứng của họ chậm hơn rồi;
Nếu một ngày bạn nhìn thấy khi ăn cơm cha mẹ ho không ngừng, đừng lầm tưởng rằng họ đang bị cảm mạo hay bị ho thông thường..
Nếu một ngày bạn thấy họ không còn thích ra ngoài..
Nếu có một ngày như vậy, tôi muốn nói với bạn rằng, bạn phải chấp nhận rằng cha mẹ bạn đã già, đã thực sự cần đến sự quan tâm chăm sóc của con cái rồi.
Nếu bạn không thể chăm sóc, bạn nên tìm một người nào đó để chăm sóc cho họ, và hãy thường xuyên quan tâm đến họ, không để họ cảm thấy bị bỏ rơi.”

vô tâm

Đoạn văn ngắn khiến tôi nhận ra rằng trước nay mình đã vô tâm với cha mẹ như thế nào. Chúng ta đã từng sẵn sàng chi cả đống tiền mua sắm cho bản thân nhưng mấy ai dành tiền mua thuốc bổ cho bố mẹ. Chúng ta sẵn sàng bỏ những bữa cơm cùng gia đình để tụ tập thâu đêm với bạn bè. Vì chúng ta nghĩ dù thế nào thì cha mẹ vẫn luôn ở đó, chờ đợi và yêu thương ta vô điều kiện.

Nhưng cha mẹ rồi cung có ngày già đi. Sinh lão bệnh tử đã là quy luật trời đất. Đợi đến lúc hối hận thì cha mẹ đã rời xa từ bao giờ rồi. Vậy nên chúng ta hãy dành nhiều thời gian để quan tâm và yêu thương cha mẹ mình thật nhiều hơn nữa.

Lời kết:

Có những thứ bản thân đang có tưởng chừng như đơn giản, tầm thường nhưng đó lại là ước mong của biết bao người khác…”Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể”, nhưng nhiều người đang mải miết với công việc mưu sinh, với bộn bề cuộc sống mà quên mất rằng mình có cả tình thương, nghĩa vụ và trách nhiệm phải phụng dưỡng cha mẹ già.

Chúng ta nếu còn cơ hội, còn thời gian thì hãy cố gắng cân bằng cuộc sống để yêu thương quan tâm tới cha mẹ mình nhiều hơn một chút, chúng ta có hàng ngàn nỗi lo của cuộc sống xoay vần này, nhưng cha mẹ già tuổi xế tuổi thì chỉ có một nỗi lo, một mối quan tâm duy nhất là con cái họ, là chúng ta thôi.

Vậy nên đừng vì sự vô tâm không đáng có của mình mà để mất đi nhưng thứ không bao giờ lấy lại được.

Bài viết cùng chủ đề:

https://karofi.com/tin-tuc/con-da-truong-thanh-chua-ha-me.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *