1.Bánh chưng.
Bánh chưng xanh được coi như là món ăn không thể thiếu, là món ăn quan trọng nhất trong ngày tết của mỗi gia đình. Dù ăn ít hay nhiều thì bánh trưng xanh phải luôn có mặt trong mâm cỗ ngày xuân. Nó không chỉ là truyền thống dân tộc mà còn là một cách thức gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam đồng thời thể hiện sự khéo léo của người làm bánh và luộc bánh. Nguyên liệu đơn giản với gạo nếp hương ngon, thịt ba chỉ, đỗ xanh, mắm muối…và lá dong tươi sẽ tạo thành món bánh ngon đặc trưng và ý nghĩa cho cả gia đình nhé.
2. Dưa hành muối.
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ; cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” là một nét văn hóa lâu đời của người Việt Nam. Ngoài bánh chưng, thì dưa hành muối cũng là một món ăn truyền thống không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến xuân về.
3.Thịt đông.
Thịt đông là món đặc trưng của người Bắc bộ. Trong không khí se lạnh, thịt đông trở nên ngon và hấp dẫn hơn bao giờ hết. Món này được làm từ thịt lợn ba chỉ (có thể thay bằng gà) cộng thêm một mảng bì lợn. Tất cả đều được ninh nhừ.
Theo truyền thống. sau khi nấu xong, lấy nồi thịt ra khỏi bếp và đặt ở ngoài sân, đậy kỹ cho món ăn thu lấy cái rét mướt của đất trời vào đêm. Đến sớm hôm sau đã có nồi thịt đông đẹp mắt. Tuy nhiên ngày này, người ta nấu thịt đông đơn giản hơn nhiều, dù thời tiết dịp Tết không lạnh thì cũng có tủ lạnh để hỗ trợ giúp thịt đông.
4.Giò lụa
Được biết đến như một món ăn vừa thông dụng vừa sang trọng, giò lụa là một món ăn thường xuyên xuất hiện trong những bữa ăn của người dân Việt Nam và không thể thiếu trên mâm cơm ngày Tết. Giò lụa truyền thống được làm từ 3 nguyên liệu chính là thịt nạc thăn giã nhuyễn kết hợp cùng nước mắm ngon sau đó gói trong lá chuối xanh và đem luộc chín. Khi bày cỗ, giò thường được thái theo khoanh, chia thành miếng gọn gàng, trông đẹp mắt và dễ gắp.
5.Thịt gà.
Một trong những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên Đán phải kể đến món thịt gà. Với người miền bắc, miền Trung thì hầu hết mâm cỗ nào cũng phải có đĩa thịt gà, thịt gà dùng để cúng đêm giao thừa và cả nhà ăn nó vào buổi sáng mồng 1. Hương vị ấm cúng cùng vị ngon của các món ăn đặc trưng làm cho ngày tết thêm vui vầy. Cũng lưu ý thêm những món ăn khá kiêng kị vào ngày tết đó là thịt chó, thịt vịt, thịt ngan….theo quan niệm xưa thì nó thường mang sự đen đủi đến vì thế không ai sử dụng chúng để thưởng thức vào năm mới.
6.Nem rán
Nem rán một món ăn không chỉ quen thuộc trong bữa cơm gia đình hàng ngày mà còn là món không thể thiếu trong mâm cỗ Tết truyền thống miền Bắc. Những miếng nem được chiên vàng với lớp vỏ ngoài giòn rụm, nhân bên trong có thịt, trứng, mộc nhĩ, giá thơm mềm. Nước chấm nem rán phải pha chế thật ngon, khéo điều hòa các vị mặn, ngọt, chua, cay quyện vào nhau cho đậm đà tròn vị.
7. Canh măng
Ngày Tết mà không nhắc đến canh măng thì quả thật là điều vô cùng sai sót. Có rất nhiều loại măng khác nhau như măng xé, măng lá… thế nhưng măng lưỡi lợn là lựa chọn thường thấy nhất trong mâm cỗ ngày Tết. Những miếng măng dày, ngon được ngâm nước qua đêm, nấu trong nước chân giò béo ngậy hoặc cổ, cánh, chân gà… sẽ mang đến một mâm cỗ trọn vẹn.
8.Xôi
Xôi là một món ăn rất phổ biến trong đời sống của nền văn hóa lúa nước với nguyên liệu chính là gạo, đỗ, lạc…được mang đi đồ hoặc hấp chín. Món xôi thường được ăn nóng, gạo chín dẻo thơm không bị nát là đạt tiêu chuẩn. Và trong dịp lễ Tết của người Việt, món xôi được ưa chuộng nhất là xôi gấc. Khi đồ xôi cùng gấc chín sẽ cho ra một màu đỏ tự nhiên rất đẹp mắt. Theo quan niệm Á Đông, màu đỏ từ xôi gấc sẽ mang lại nhiều may mắn trong năm mới.
Xem thêm :
Cách làm mứt dừa ngũ sắc cho dịp Tết